𝗦𝘂̛̣ 𝗿𝗮 đ𝗼̛̀𝗶 𝗰𝘂̉𝗮 𝗸𝘆̃ 𝘁𝗵𝘂𝗮̣̂𝘁 đ𝗼̂𝗻𝗴 𝗹𝗮̣𝗻𝗵
– Đầu thế kỷ XIX, New Zealand và Australia là thuộc địa của Anh phát triển rất mạnh nghề chăn nuôi gia súc nên cung vượt cầu. Nhiều trang trại phải giết bỏ gia súc vì khủng hoảng thừa. Trong khi đó, tại châu Âu lại khan hiếm về sản phẩm thịt gia súc nên giá rất đắt. Một số nhà tư bản đã nghĩ cách vận chuyển thịt gia súc từ New Zealand, Australia và các vùng thuộc địa khác về bán kiếm lời. Tuy nhiên, do đường vận chuyển xa nên thịt bị thối, còn đưa trâu, bò, ngựa, cừu… sống về thì phải mất công chăm sóc và bị chết quá nhiều dẫn tới thua lỗ.
Trước tình hình này, một số người đã nghĩ cách bảo quản thịt bằng các tảng băng tự nhiên nhưng không hiệu quả. Đến giữa thế kỷ XIX, một người Mỹ sống tại Anh đã phát minh ra phương pháp đông lạnh cơ giới theo nguyên lý nén và bốc hơi chất lỏng. Thể khí dưới áp lực sẽ tỏa nhiệt ra ngoài, nhiệt độ hạ xuống và đi vào đường ống dẫn tới các gian buồng cần làm lạnh. Năm 1834, nhà phát minh này đã được nhận bằng sáng chế về thiết kế máy đông lạnh do Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh trao tại London. Sau đó, nhiều kỹ sư đã cải tiến và chế tạo thành công máy kết tinh một số chất. 1882 được ghi nhận là năm ra đời của ứng dụng thiết bị lạnh và thiết bị này lắp đặt trên con tàu biển. Cuối tháng 2-1882, con tàu này di chuyển từ Australia về cảng London trong sự mong chờ của hàng vạn người dân Anh. Ai cũng tò mò bởi con tàu trọng tải hơn 1.300 tấn chở đầy thịt cừu từ Australia về Anh trong chuyến hành trình hơn 3 tháng nhưng thịt vẫn còn tươi nguyên.
Con tàu cập bến, mỗi thùng thịt được vận chuyển vào bờ đã làm cho hàng ngàn con mắt nhìn theo thán phục và xen lẫn sự kinh ngạc tột độ. Các bà nội trợ tranh nhau mua hàng đưa về nhà chế biến. Chuyến tàu chở thịt cừu đầu tiên có gắn thiết bị làm lạnh từ New Zealand và Australia về Anh đã thành công rực rỡ. Tin này không chỉ làm cho người dân Anh vui mừng mà cả châu Âu sẽ có đủ thịt cho bữa ăn hằng ngày. Các chủ trang trại chăn nuôi ở Australia, New Zealand và châu Mỹ… phấn khởi vì sẽ không còn phải giết bỏ đàn gia súc như trước.
Các nhà nghiên cứu đánh giá việc ra đời của kỹ thuật đông lạnh đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử phát triển nhân loại. Bởi kỹ thuật đông lạnh không chỉ bảo quản tốt thực phẩm mà còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong y học, kỹ thuật đông lạnh đã giúp bảo quản thuốc, vật phẩm phục vụ phẫu thuật. Ngoài ra, kỹ thuật đông lạnh đã giúp một số ngành công nghiệp chế tạo, điện lạnh, công nghiệp quốc phòng phát triển vượt bậc. Ngày nay, nhờ có kỹ thuật đông lạnh mà hàng tỷ hộ dân trên toàn thế giới được hưởng những giây phút sảng khoái qua máy điều hòa nhiệt độ…